Phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin

Trong thời gian qua, nhiều hệ thống thông tin của các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước bị tấn công, phá hoại, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Chính vì vậy, việc tăng cường bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức nhà nước… là điều quan trọng và phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2016/NĐ-CP quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Theo đó, Nghị định quy định cụ thể tiêu chí xác định 5 cấp độ hệ thống thông tin, ngoài ra còn quy định người đứng đầu của cơ quan, tổ chức là chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và phụ trách công tác bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động của cơ quan, tổ chức mình.

5 cấp độ hệ thống thông tin

 Hệ thống thông tin cấp độ 1

Là hệ thống thông tin phục vụ hoạt động nội bộ của cơ quan, tổ chức và chỉ xử lý thông tin công cộng.

 Hệ thống thông tin cấp độ 2

Là hệ thống thông tin có một trong các tiêu chí cụ thể như sau:

  1. Hệ thống thông tin phục vụ hoạt động nội bộ của cơ quan, tổ chức và có xử lý thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng nhưng không xử lý thông tin bí mật nhà nước;
  2. Hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp thuộc một trong các loại hình như sau:
    • Cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 2 trở xuống theo quy định của pháp luật;
    • Cung cấp dịch vụ trực tuyến không thuộc danh mục dịch vụ kinh doanh có điều kiện;
    • cung cấp dịch vụ trực tuyến khác có xử lý thông tin riêng, thông tin cá nhân của dưới 1.000 người sử dụng;
  3. Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ hoạt động của một cơ quan, tổ chức….

 Hệ thống thông tin cấp độ 3

Là hệ thống tin xử lý thông tin bí mật nhà nước hoặc hệ thống phục vụ quốc phòng, an ninh khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại tới quốc phòng, an ninh quốc gia; hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp thuộc một trong các hình thức: Cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 trở lên theo quy định của pháp luật; cung cấp dịch vụ trực tuyến thuộc danh mục dịch vụ kinh doanh có điều kiện; cung cấp dịch vụ trực tuyến khác có xử lý thông tin riêng, thông tin cá nhân của từ 10.000 người sử dụng trở lên….

 Hệ thống thông tin cấp độ 4

Là hệ thống thông tin quốc gia phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, yêu cầu vận hành 24/7 và không chấp nhận ngừng vận hành mà không có kế hoạch trước; hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin dùng chung phục vụ hoạt động của các cơ quan, tổ chức trên phạm vi toàn quốc; hệ thống thông tin điều khiển công nghiệp trực tiếp phục vụ điều khiển, vận hành hoạt động bình thường của các công trình xây dựng câp I theo phân cấp của pháp luật về xây dựng

 Hệ thống thông tin cấp độ 5

Là hệ thống thông tin xử lý thông tin bí mật nhà nước hoặc hệ thống phục vụ quốc phòng, an ninh, khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại đặc biệt nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh quốc gia; hoặc là hệ thống thông tin phục vụ lưu trữ dữ liệu tập trung đối với một số loại hình thông tin, dữ liệu đặc biệt quan trọng của quốc gia; hoặc là hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia phục vụ kết nối liên thông hoạt động của Việt Nam với quốc tế…

Phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin

Căn cứ theo Điều 21 của Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 thì nội dung Phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin gồm:

1. Phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin là việc xác định cấp độ an toàn thông tin của hệ thống thông tin theo cấp độ tăng dần từ 1 đến 5 để áp dụng biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm bảo vệ hệ thống thông tin phù hợp theo cấp độ.

2. Hệ thống thông tin được phân loại theo cấp độ an toàn như sau:

  • Cấp độ 1 là cấp độ mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhưng không làm tổn hại tới lợi ích công cộng, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia;
  • Cấp độ 2 là cấp độ mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc làm tổn hại tới lợi ích công cộng nhưng không làm tổn hại tới trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia;
  • Cấp độ 3 là cấp độ mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới sản xuất, lợi ích công cộng và trật tự, an toàn xã hội hoặc làm tổn hại tới quốc phòng, an ninh quốc gia;
  • Cấp độ 4 là cấp độ mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại đặc biệt nghiêm trọng tới lợi ích công cộng và trật tự, an toàn xã hội hoặc làm tổn hại nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh quốc gia;
  • Cấp độ 5 là cấp độ mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại đặc biệt nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh quốc gia.

3. Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ.

Về nhiệm vụ bảo vệ hệ thống thông tin

Bao gồm những nội dung:

  • Xác định cấp độ an toàn thông tin của hệ thống thông tin;
  • Đánh giá và quản lý rủi ro an toàn hệ thống thông tin;
  • Đôn đốc, giám sát, kiểm tra công tác bảo vệ hệ thống thông tin;
  • Tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ hệ thống thông tin;
  • Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định;
  • Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng.

Về biện pháp bảo vệ hệ thống thông tin

Gồm các nội dung:

  • Ban hành quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng, nâng cấp, hủy bỏ hệ thống thông tin;
  • Áp dụng biện pháp quản lý, kỹ thuật theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin mạng để phòng, chống nguy cơ, khắc phục sự cố an toàn thông tin mạng;
  • Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định và đánh giá hiệu quả của các biện pháp quản lý và kỹ thuật được áp dụng;
  • Giám sát an toàn hệ thống thông tin.

Về giám sát an toàn hệ thống thông tin

Giám sát an toàn hệ thống thông tin là hoạt động lựa chọn đối tượng giám sát, thu thập, phân tích trạng thái thông tin của đối tượng giám sát nhằm xác định những nhân tố ảnh hưởng đến an toàn hệ thống thông tin; báo cáo, cảnh báo hành vi xâm phạm an toàn thông tin mạng hoặc hành vi có khả năng gây ra sự cố an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin; tiến hành phân tích yếu tố then chốt ảnh hưởng tới trạng thái an toàn thông tin mạng; đề xuất thay đổi biện pháp kỹ thuật

Đối tượng giám sát an toàn hệ thống thông tin gồm tường lửa, kiểm soát truy nhập, tuyến thông tin chủ yếu, máy chủ quan trọng, thiết bị quan trọng hoặc thiết bị đầu cuối quan trọng.

Doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng có trách nhiệm phối hợp với chủ quản hệ thống thông tin trong việc giám sát an toàn hệ thống thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin

Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm thực hiện bảo vệ hệ thống thông tin theo quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Luật.

Chủ quản hệ thống thông tin sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện trách nhiệm quy định tại mục trên và có trách nhiệm sau đây: Có phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định khi thiết lập, mở rộng hoặc nâng cấp hệ thống thông tin; Chỉ định cá nhân, bộ phận phụ trách về an toàn thông tin mạng

Về hệ thống thông tin quan trọng quốc gia

Khi thiết lập, mở rộng và nâng cấp hệ thống thông tin quan trọng quốc gia phải thực hiện kiểm định an toàn thông tin trước khi đưa vào vận hành, khai thác.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ, ngành có liên quan xây dựng Danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Về trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin quan trọng quốc gia

  • Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia có trách nhiệm sau đây: Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 25 của Luật; Định kỳ đánh giá rủi ro an toàn thông tin mạng. Việc đánh giá rủi ro an toàn thông tin mạng phải do tổ chức chuyên môn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định thực hiện; Triển khai biện pháp dự phòng cho hệ thống thông tin; Lập kế hoạch bảo vệ, lập phương án và diễn tập phương án bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
  • Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm sau đây:
    • Chủ trì, phối hợp với chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, Bộ Công an và Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, trừ hệ thống thông tin quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 27;
    • Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng tham gia tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
  • Bộ Công an chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia do Bộ Công an quản lý; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan trong việc bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng quốc gia khác khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Bộ Quốc phòng chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia do Bộ Quốc phòng quản lý.
  • Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì tổ chức triển khai giải pháp dùng mật mã để bảo vệ thông tin trong hệ thống thông tin quan trọng quốc gia của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; phối hợp với chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trong việc giám sát an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật.

Những nội dung này sẽ được Chính phủ quy định cụ thể trong Nghị định về bảo vệ hệ thống thông tin theo cấp độ an toàn thông tin, trong đó có quy định chi tiết về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ.

Một số thuật ngữ trong Luật An toàn thông tin mạng

– Hệ thống thông tin là tập hợp phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu được thiết lập phục vụ mục đích tạo lập, cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin trên mạng.

– Hệ thống thông tin quan trọng quốc gia là hệ thống thông tin mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại đặc biệt nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh quốc gia.

– Chủ quản hệ thống thông tin là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý trực tiếp đối với hệ thống thông tin.

– Xâm phạm an toàn thông tin mạng là hành vi truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin.

– Sự cố an toàn thông tin mạng là việc thông tin, hệ thống thông tin bị gây nguy hại, ảnh hưởng tới tính nguyên vẹn, tính bảo mật hoặc tính khả dụng.

Rủi ro an toàn thông tin mạng là những nhân tố chủ quan hoặc khách quan có khả năng ảnh hưởng tới trạng thái an toàn thông tin mạng.

– Đánh giá rủi ro an toàn thông tin mạng là việc phát hiện, phân tích, ước lượng mức độ tổn hại, mối đe dọa đối với thông tin, hệ thống thông tin

– Quản lý rủi ro an toàn thông tin mạng là việc đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro an
 toàn thông tin mạng.

Leave a reply:

Your email address will not be published.

Site Footer